10 Tuyệt chiêu giúp bạn tiết kiệm tiền mua nhà hiệu quả

Rà soát lại những dịch vụ viễn thông không cần thiết rẽ giúp bạn đánh giá lại nhu cầu thực tế và không lãng phí nhiều khoản tiền

1. Mở tài khoản tiết kiệm

Việc tiết kiệm tiền để mua nhà nhanh chóng là hoàn toàn có thể nếu bạn bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Ngay bây giờ, bạn có thể mở một tài khoản ngân hàng khác với tài khoản nhận lương mỗi tháng và bắt đầu với con số tối thiểu là khoảng 1% thu nhập mỗi tháng.


Hầu hết các ngân hàng đều có dịch vụ tự động trích một khoản tiền từ tài khoản của bạn để chuyển vào sổ tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất cao hơn. Sẽ rất thuận tiện nếu bạn mở sổ tiết kiệm ở chính ngân hàng bạn nhận lương hàng tháng và đây là cách tốt nhất để bạn tiết kiệm. Nếu bạn có một mục tiêu tiết kiệm xác định, chẳng hạn trong 1 năm tới bạn cần 50 triệu đồng, bạn chỉ cần chia con số này cho 12 để xác định khoản trích hàng tháng.

Tuy nhiên bạn cũng đừng đặt khoản trích quá cao so với thu nhập hàng tháng vì điều này sẽ gây ảnh hưởng đến chi tiêu ngắn hạn khiến bạn luôn lo lắng về những chi tiêu quá eo hẹp hàng ngày và bạn sẽ rất dễ huỷ bỏ dịch vụ rất đáng tiền này. Bạn chỉ nên trích tự động tối đa 20-25% thu nhập của mình, vì bạn sẽ còn nhiều cách tiết kiệm khác mà.

Trích tối đa 20-25% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm là bước đi đầu tiên giúp bạn thực hiện kế hoạch mua nhà.

2. Chọn hình thức tiết kiệm có lãi suất cao

Cách tiết kiệm tiền hiệu quả không phải là bạn mang “quẳng” hết số tiền của mình vào một ngân hàng bất kỳ hay bỏ vào trong két sắt và khóa chặt lại. Cách tiết kiệm thông minh là hãy chọn ngân hàng có lãi suất tiết kiệm tốt hơn, dù chỉ chút ít. Bạn có thể chọn ngay ngân hàng đang nhận lương để mở sổ tiết kiệm, bạn cũng có thể chọn ngân hàng lớn vì có vẻ yên tâm hơn, nhưng bạn cũng có thể chọn một ngân hàng khác, nhỏ hơn một chút và đưa ra lãi suất cao hơn một chút. Có thể bạn sẽ tốn công một chút cho việc sử dụng nhiều ngân hàng, nhưng về mặt lợi ích kinh tế, hãy chọn những dịch vụ đem lại giá trị cao hơn cho mình, đối với tiết kiệm, giá trị đó chính là tiền bạc.

Bên cạnh lãi suất tiết kiệm, hãy chọn ngân hàng có biểu phí thấp và nằm trong mạng lưới liên kết với nhiều ngân hàng và đối tác dịch vụ phổ biến. Giảm được một phần phí ngân hàng cộng thêm số tiền tiết kiệm từ các ưu đãi liên kết, bạn sẽ có thêm một khoản tiền nho nhỏ cho những việc cỏn con, tránh việc phải phá lẻ những tờ tiền mệnh giá lớn (Vì một khi đã phá lẻ thì chúng ta sẽ tiêu rất nhanh).

3. Tiết kiệm từ tiền lẻ

Những đồng tiền lẻ thường không được nhiều người để tâm, thậm chí còn thẳng tay “ném” vào những hòm quyên góp nhỏ tại các cửa hàng mua sắm. Bạn có nhớ tuổi thơ mình thường dùng heo đất để bỏ tiền lẻ, rồi cuối năm nhờ ba mẹ “mổ lợn” mua quần áo mới không? Hồi đó, mỗi ngày bạn bỏ nuôi heo 500-1.000 đồng, rồi thi thoảng được thưởng lại mang bỏ lợn. Cuối năm mổ lợn, bạn có một khoản kha khá là của riêng mình và còn rất tự hào nữa.

Tạo thói quen tiết kiệm tiền lẻ sẽ giúp bạn để dành được những khoản không ngờ tới

Để tiết kiệm thêm vào khoản tiền mua nhà, bạn không cần mua heo đất cũng chẳng cần lọ hay hộp đựng tiền, chỉ cần chiếc ví của bạn có nhiều hơn một ngăn có thể để tiền. Hãy tập cho mình thói quen, mỗi lần chi tiền để làm bất cứ việc gì thì đều bỏ vào ngăn bí mật này một số tiền nhỏ cố định (khoảng 10.000 hay 20.000 đồng cho mọi khoản chi lớn nhỏ). Đó là số tiền rất nhỏ và hầu như không gây ảnh hưởng đáng kể. Nhưng bạn thử tính xem, nếu mỗi ngày bạn đều chi tiền ít nhất 1 lần và chỉ bỏ heo 10.000 đồng /lần chi tiền thôi, 1 năm sau bạn đã có ít nhất 3.650.000 đồng rồi.

4. Không nên vay mượn, nếu nợ thì trả sớm

Nếu không phải là tình huống bất khả kháng, đừng vay mượn, đặc biệt là vay ngân hàng. Nếu bạn không phải là người giỏi tính toán và có thể xoay vòng tiền thành lợi nhuận, vay mượn đồng nghĩa với nợ nần, và cũng đồng nghĩa luôn với việc bạn sẽ chẳng thể tiết kiệm cho mình cho đến khi nào trả nợ xong. Đối với dư nợ thẻ tín dụng, hãy thanh toán trong hạn thanh toán nếu có thể để tránh lãi suất của ngân hàng; nếu đã quá thời gian thanh toán, hãy cố gắng trả sớm nhất.

5. Suy nghĩ thật kỹ trước khi “xuống tay” tiêu tiền

Ắt hẳn bí quyết này đã rất quen thuộc với mọi người nhưng mấy ai có thể hoàn thành tốt? Chỉ cần bắt mắt, tính năng vượt trội hay nhìn thấy biển giảm giá… thì món đồ đó sẽ được rinh về nhà dù trước đó bạn còn đắn đo.Khi đã muốn mua một món đồ vật nào đó chúng ta luôn biện ra được vô vàn lý do để nó trở nên có ích nhất nhưng có ai từng suy nghĩ ý kiến trái chiều để trả nó về lại chỗ cũ không? Đây là một việc cần thiết để bạn tiêu tiền một cách hợp lý nhất, suy nghĩ ngược lại với ham muốn của mình bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.

Trước khi mua một món đồ bạn nên tập thói quen suy nghĩ xem món đồ đó liệu có thực sự cần thiết

Theo kinh tế học, “Cần” và “Muốn” là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Những gì bạn cần là hữu hạn trong khi những gì bạn muốn có thể đến vô hạn, chính vì thế, một trong những nguyên tắc tiết kiệm, đó là “Mua những gì bạn cần, không mua những gì bạn muốn”.

6. Thiết đặt các hạn mức chi tiêu

Đặt hạn mức với những khoản chi tiêu không biết trước. Chẳng hạn, bạn định ra ngoài chơi với đám bạn vào cuối tuần này, hãy đặt ra định mức chi tối đa cho lần tụ tập này là 500.000 đồng và để riêng số tiền này ở một ngăn riêng trong ví và cố gắng chỉ chi trong khoản tiền này trong suốt chuyến đi chơi.

Ưu tiên chi tiền mặt thay cho quẹt thẻ (dù là thẻ tín dụng hay thẻ ATM) và chỉ mang theo người một khoản tiền mặt vừa phải. Bằng cách dùng tiền mặt, bạn sẽ không thể chi tiêu quá số tiền mà mình có, có thể việc này không giúp bạn tiết kiệm nhưng sẽ giúp bạn tránh thâm hụt vì vung tay quá trán.

Sắm một chiếc ví nhiều ngăn và quy định mỗi ngăn là số tiền tối đa có thể chi một loại hàng hoá dịch vụ trong 1 tháng (ví dụ, ngăn cho tiền ăn uống, ngăn cho nhu yếu phẩm, ngăn cho tiền mua sắm quần áo và linh tinh, ngăn để thanh toán hoá đơn…). Bạn chỉ cần tính hạn mức cho những khoản chi này vào đầu tháng, sau đó chỉ cần tiêu trong số đó là được, dư thì càng tốt.

7. Tận dụng những gì bạn có

Trong một xã hội tiêu thụ hiện đại, tiện nghi, bất cứ vấn đề gì bạn gặp phải luôn có thể được giải quyết bằng tiền. Nếu có thứ gì hỏng, chỉ việc ra ngoài mua thứ mới. Nếu có thứ gì vỡ, ra ngoài mua thứ thay thế.

Nhưng thời của ông bà bạn, khi có thứ gì hỏng hóc, việc đầu tiên họ làm là xem có thể sửa chữa được không. Và thay vì gọi thợ sửa, bạn có thể tự sửa. Hầu hết các công việc sửa chữa không quá khó như bạn tưởng, chỉ cần một chút kiên nhẫn và chịu khó tìm tòi bạn có thể sửa những thứ không tưởng đó! Nếu không thể sửa được, thì trước khi vứt vào sọt rác, họ cũng sẽ xem liệu nó có ích vào việc khác hay không. Không có lý do gì để ra ngoài và tốn tiền vào một thứ mới trong khi bạn có thể vẫn tìm cách sử dụng lại món đồ mà bạn đã có.

Mọi người có xu hướng mua một món đồ cụ thể và sử dụng nó cho mục đích duy nhất ấy. Những điều bạn nên biết rõ là mọi thứ đều có thể tái sử dụng trong vòng đời của chúng. Chiếc áo sơ mi sờn cổ, không thể mặc ra ngoài có thể trở thành cái áo ngủ ban đêm, và trở thành giẻ lau khi nó bắt đầu thủng lỗ. Những chai lọ qua vài lớp sơn biến tấu cùng vài họa tiết ngộ nghĩnh thôi có thể biến thành nhiều thứ hữu ích như chậu cây cảnh, đồ trang trí. Chịu khó biến tấu một chút bạn cũng có thể tìm thấy thêm thú vui giải trí cho mình mà vừa có thể tiết kiệm.

8. Hãy tích cực mượn

Hãy đọc thật kỹ và thật cẩn thận nhé, chúng tôi không khuyên bạn trở thành kẻ chuyên đi mượn và dùng ké mọi thứ của người khác, bạn sẽ dễ trở thành “quái vật” ki bo trong mắt mọi người.Những thứ bạn có thể mượn bạn bè như tài liệu, sách, túi du lịch hay trang phục và phụ kiện cho dịp đặc biệt (vì họ hẳn cũng rất nuối tiếc những bộ đầm chỉ có thể mặc 1-2 lần), đồ dùng du lịch và cả đồ công nghệ (nếu bạn chỉ dùng trong vài ngày). Bạn có thể thuê sách truyện và phim ảnh, hãy mừng vì giờ đây chúng ta có dịch vụ đọc sách và xem phim trực tuyến với giá vô cùng rẻ so với việc bỏ tiền mua sách giấy, đĩa phim hay vé xem phim.

Bạn cũng cần có ý thức bảo quản và sử dụng đồ mượn cẩn thận hơn cả đồ đạc của mình, đó vừa là cách để tiết kiệm vừa là để bảo vệ uy tín của chính mình – thứ mà không tiền nào có thể mua được. Tuy nhiên bạn nên tránh mượn tiền, mỹ phẩm, điện thoại, nhu yếu phẩm và đồ dùng hàng ngày, đó là những thứ bạn có trách nhiệm tự trang bị cho mình, không ai thoải mái cho bạn mượn những thứ mà họ cũng phải vất vả để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của mình.

9. Mua đúng giá

Lựa chọn giá khi mua đồ là việc bạn nên làm cho mỗi lần quyết định chi tiền mua sắm. Trừ khi bạn muốn mua một món độc chỉ có duy nhất một người bán (những thứ như thế rất hiếm và cũng thường không cần thiết), hãy tham khảo giá trước khi mua, đừng vội vã mua ngay khi bạn thậm chí còn chưa tìm hiểu món này có ai khác bán nữa không. Nếu bạn đang mua sắm online, Google sẽ giúp bạn tham khảo giá nhanh và đơn giản, các trang cộng đồng mua bán cũng vậy (nhưng nhớ đọc kỹ xuất xứ hàng hoá, điều kiện mua hàng và các khoản phí phát sinh). Nếu bạn mua sắm theo kiểu truyền thống, hãy tham khảo giá vài gian hàng cùng bán món đó tại một khu chợ, hoặc tham khảo giá online trước nếu bạn mua ở cửa hàng lẻ. Tại các trung tâm thương mại, hãy dằn lòng trước những món “hàng mới về” để dành sự ưu ái cho hàng giảm giá, bởi vì hàng mới về rồi cũng sẽ trở thành hàng giảm giá trong một ngày gần đây, và liệu bạn có dùng ngay món hàng vừa mua để tận hưởng giá trị “mới về” đó, trong khi tiền đã bỏ ra thì đã “một đi không trở lại”.

10. Rà soát lại chi phí viễn thông

Chi phí này bao gồm phí điện thoại, internet và truyền hình cáp, đó là khoản chi phí cần thiết để duy trì sự liên kết với thế giới trong cuộc sống hiện đại và đó cũng là khoản đầu tư cần thiết cho công việc và các mối quan hệ xã hội. Nhưng hầu hết chúng ta chi nhiều cho viễn thông hơn những gì mình cần và sử dụng.

Rà soát lại những dịch vụ viễn thông không cần thiết rẽ giúp bạn đánh giá lại nhu cầu thực tế và không lãng phí nhiều khoản tiền

Hãy xem lại các hoá đơn viễn thông trong 6 tháng gần đây nhất và đánh giá lại nhu cầu thực tế của mình. Bạn có cần thuê cáp quang internet chỉ để lướt web, xem phim HD? Bạn có cần thuê gói truyền hình cáp hàng trăm kênh trong khi mấy ngày liền còn chả nhìn đến TV hoặc cùng lắm chỉ xem đi xem lại vài kênh? Bạn có cần gọi điện nhiều đến thế trong khi đã có email và chat miễn phí? Và bạn có thực sự cần 3G để online tốc độ cao mọi lúc mọi nơi chỉ để “check in” và khoe hình trên Facebook? Hãy mạnh tay cắt giảm những dịch vụ viễn thông không thực sự cần thiết, hạ cấp các gói cước không dùng hết tính năng và tìm các giải pháp viễn thông kết hợp (như USB thu sóng wifi cho TV để xem phim online và có thể dẹp luôn phí truyền hình cáp mà cũng chẳng cần mua TV cao cấp có thể lên mạng internet). Sau khi tối ưu phí viễn thông, bạn sẽ thấy cuộc sống trong thời đại thông tin cũng không quá đắt đỏ đâu.

Tóm lại cho tất cả những cách trên, bạn chỉ cần nhớ 2 việc:

Thứ nhất: Đánh giá lại chi tiêu hiện tại để tối ưu hoá các khoản chi định kỳ, có thể mất công ban đầu một chút nhưng khi đã vào nếp, bạn thậm chí cũng chẳng nhớ rằng mình đang tiết kiệm được một khoản tiền so với trước đây.

Thứ hai: Đừng vội vã chi tiền ngay khi chưa kịp suy nghĩ về nó. Tập thói quen tự vấn bản thân về mức độ cần thiết phải chi tiền để mua sắm, có thể hỏi thêm vài người để giúp củng cố nếu bạn vẫn không thể tự thuyết phục mình. Nếu cần thiết phải chi tiền và quyết định chi tiền, hãy dành 15 phút kiểm tra giá và nhà cung cấp để có thể mua được với chi phí tốt nhất.

Tập những thói quen này hi vọng bạn sẽ xây dựng được chiến lược tiết kiệm tiền mua nhà hiệu quả nhất!

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *